1. Học sớm sẽ phát âm chuẩn hơn và cơ hội thành thạo cao hơn
Khi chúng ta bắt đầu càng sớm thì thời gian tiếp xúc với ngôn ngữ càng dài và qua đó khả năng thành công càng cao. Trẻ càng học sớm thì khả năng phát âm càng chuẩn hơn do khi đã ở độ tuổi dậy thì thì cách phát âm, lấy hơi của trẻ đã được định hình qua ngôn ngữ mẹ đẻ và rất khó để người học có thể phát âm giống hệt cách phát âm của người bản ngữ. Đặc biệt là với người Việt Nam khi âm của tiếng Việt là âm mũi, trong khi âm tiếng Anh thường là âm cổ họng.
2. Tạo thói quen suy nghĩ và xử lý thông tin bằng Tiếng Anh
Một người sử dụng ngôn ngữ thứ 2,3,4… một cách thành thạo hiếm khi dịch từ ngôn ngữ mẹ đẻ sang ngôn ngữ thứ 2 khi nói hoặc ngược lại khi nghe. Họ đơn giản chỉ suy nghĩ và xử lý thông tin nghe được một cách trực tiếp trên não bộ.
Vì vậy, khi dạy tiếng Anh cho trẻ từ 3 – 7 tuổi, nên tạo thói quen này cho bé ngay từ khi bắt đầu. Ví dụ: Thay vì dạy màu đỏ là red, màu xanh là blue, màu vàng là yellow, chúng ta nên dạy bằng cách đặt câu hỏi: What color is it? và dạy bé trả lời: Red/Blue/Yellow hay What’s this? – Apple.
Một điều thú vị là khi đã hình thành thói quen suy nghĩ bằng tiếng Anh ngay từ nhỏ thì rất khó để hình thành thói quen dịch sang tiếng mẹ đẻ và ngược lại.
3. Học ngoại ngữ cần có thời gian
Học ngoại ngữ cần có thời gian, đặc biệt là đối với trẻ em. Nếu nói về tốc độ thì càng lớn, một người học ngoại ngữ càng nhanh vào hơn, nhất là trong giai đoạn đầu. Trong lĩnh vực từ vựng, đọc hiểu thì thiếu niên và người trưởng thành rõ ràng chiếm ưu thế bởi vì người ở độ tuổi này có thể hiểu được những khái niệm phức tạp bằng việc đối chiếu lại với ngôn ngữ mẹ đẻ của mình cũng như với những kiến thức có sẵn.
Không nên tạo áp lực cho con bằng cách liên tục hỏi bé hôm nay con học được gì, nói tiếng Anh cho bố mẹ nghe xem nào. Hãy tự tìm hiểu xem hôm nay bài học của bé học về từ vựng tiếng Anh theo chủ đề gì, sau đó đặt câu hỏi với từ vựng đó trong lúc chơi với bé. Bố mẹ nên bắt đầu bằng câu hỏi không yêu cầu bé trả lời Is this an apple – Gật/Lắc, hoặc Where’s the banana? (Trẻ chỉ tay vào quả chuối) sau đó mới đến câu hỏi phức tạp hơn yêu cầu nói.
Thời gian đầu có một số trẻ có thể nhút nhát và thụ động hơn các đứa trẻ khác. Tuy vậy khi đặt vào đúng môi trường thì lượng kiến thức vẫn ngấm vào bé qua việc lắng nghe. Đến khi được khuyến khích đúng phương pháp, bé có được sự tự tin cần thiết và khai thác tất cả những vốn kiến thức mà bé đã tích lũy.
4. “Accent” (giọng) không quan trọng
Là người nói tiếng Anh, tôi nhiều khi cảm thấy ngạc nhiên khi người Việt Nam quá đề cao vai trò của tiếng Anh phải là tiếng Anh Mỹ, Anh Anh. Ngay tại Anh và Mỹ thì cũng có hàng trăm “accent” (giọng) khác nhau. Chúng tôi không quan trọng bạn nói tiếng Anh với giọng gì. Điều quan trọng khi đánh giá khả năng tiếng Anh của một người là sự lưu loát khi nói, vốn từ vựng phong phú, cách diễn đạt ngắn gọn và sự tự tin.
Vì vậy nếu có điều kiện hãy để bé làm quen với nhiều “accent” khác nhau: Anh – Anh, Anh – Mỹ, Anh – Úc… để bé thêm tự tin khi tiếp xúc với người nước ngoài nhé.
5. Khuyến khích thói quen đọc sách của bé
Đọc sách là một thói quen rất quan trọng và cần phải rèn luyện từ nhỏ. Ở Anh, trước khi đi ngủ các bậc cha mẹ đều đọc sách cho con nghe. Nếu có thể, tôi khuyến khích các bậc cha mẹ mua các truyện tranh với nội dung đơn giản và đọc cho trẻ trước khi đi ngủ. Bố mẹ cũng có thể mua sách audio (với lời đọc) và bật cho trẻ nghe mỗi tối. Chúng ta có thể giải thích sơ qua về nội dung câu truyện nhưng không nên dịch từng câu một. Người lớn sẽ ngạc nhiên bởi trẻ có thể hiểu nhiều hơn chúng ta tưởng tượng.
Như vậy, để bé có thể học hiệu quả, bạn cần chú ý đến độ tuổi, phương pháp học tiếng Anh và môi trường xung quanh. Hy vọng với bài viết này, ba mẹ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm dạy tiếng Anh cho trẻ em, góp phần giúp tương lai của bé trở nên tươi sáng hơn.